Love is wonderful: Một thoáng bình yên cho trái tim êm đềm

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Niềm vui thật

Hành trang cuộc sống

Tại một đất nước nọ, một vị quan vận thường phục đi thị sát cùng người hầu của mình. Trên đường đi, hai người thấy một đôi giày cũ nằm giữa đường. Anh người hầu cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Người hầu nói với vị quan nọ: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Con sẽ giấu giày của ông ta rồi chúng ta cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày. Có lẽ là cuống quít lên, buồn cười lắm đấy."
Vị quan ngăn lại: "Này, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Chúng ta không khốn khó như họ, anh có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."
Người hầu làm như lời vị quan sai bảo, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và nói to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh người hầu lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị quan cất tiếng: "Anh thấy đấy, bây giờ anh có cảm thấy vui hơn so với khi anh đùa cợt ông ấy chăng?" Người hầu trả lời: "Ngài đã dạy cho tôi một bài học mà tôi sẽ không bao giờ quên. Quả thật, làm cho người khác hạnh phúc luôn khiến bản thân mình hạnh phúc hơn khi gây ra cho họ đau khổ."
-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Hiếu thảo...

Hành trang cuộc sống

........ Con… trượt rồi bố ạ!
Nó không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của bố. Nó cắm đầu đi vào nhà. Ngang qua chỗ mẹ nằm, nghe những tiếng thở khò khè khó nhọc, nó không cầm được nước mắt.
Bữa cơm tối dọn ra nhưng bố con nó chưa ăn vội. Từ ngày mẹ bị bệnh, mâm cơm nhà nó bao giờ cũng chỉ có hai người. Bố bón cho mẹ bát cháo xong rồi hai bố con mới ăn.
Bữa cơm tối nay có cá kho, bố đánh dưới ao lên nhưng nó ăn không thấy ngon. Hình như bố cũng vậy.
- Không đỗ thì ôn thi tiếp. Con đừng buồn, nhìn con buồn bố nản lắm.
Nó quay lại nhìn bố với đôi mắt ướt:
- Con hết buồn rồi, bố đừng lo.
Đêm, nó trằn trọc không ngủ được. Khó khăn lắm, mẹ mới chợp mắt nên nó không muốn tiếng trở mình của nó làm mẹ thức giấc. Nó sờ tay lên tường, mảng tường đã bong tróc chỗ lồi, chỗ lõm khiến bàn tay nó ram ráp. Nó nghĩ đến giấc mơ dở dang của mình… Nhưng nếu nó đi học thì bố mẹ sẽ thế nào đây? Bố lấy đâu ra tiền để vừa lo thuốc thang cho mẹ lại vừa lo cho nó học đại học. Bác sĩ đã bảo bệnh của mẹ sẽ khỏi nếu kiên trì chữa trị. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho nó. Nó không muốn mẹ phải hy sinh cả sự sống của mình chỉ để cho nó được học đại học. Với nó, mạng sống của mẹ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời.
- Bố à, chắc sang tháng sau con lên phụ giúp dì Hoa bán hàng cho… đỡ buồn.
Nó nhìn bố thăm dò. Thực ra là nó đang nói tránh cái điều mà nó nghĩ: phải đi làm để có tiền đỡ đần cho bố. Sau một hồi suy nghĩ, bố đặt tay lên vai nó, giọng chùng xuống:
- Cũng được con ạ.
Nó lên phố bán hàng, bỏ lại phía sau những nỗi niềm và những giọt nước mắt. Cửa hàng của dì nó ở vị trí trung tâm thành phố, lại là đại lý lớn nên rất đông khách. Bận bịu với việc bán hàng, nó cũng quên đi nỗi buồn. Tiền ăn ở dì lo, còn tiền công tháng dì bảo nó gửi về quê cho bố mẹ. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, nó thấy quyết định của nó thật có ý nghĩa, nhất là khi gọi điện về thấy bố khoe:
- Bệnh của mẹ tiến triển nhiều rồi con ạ.
Rồi một ngày, bố đột ngột xuất hiện ở cửa hàng với khuôn mặt của một người đang cố chịu đựng:
- Tại sao con lại nói dối bố?
Bố dằn từng tiếng một rồi chìa tờ giấy báo điểm đậu đại học mà nó đã cố giấu. Nó nhìn thấy trong mắt bố là cả một sự kiềm nén ghê gớm, nên câu trả lời của nó cũng trở nên đứt quãng:
- Con… xin lỗi bố… nhưng bố ơi, làm thế nào mà con có thể đi học được khi mẹ đang bệnh? Làm thế nào mà con có thể để bố một mình vật lộn để vừa chăm mẹ vừa nuôi con học đại học. Con rất mong được vào đại học, nhưng lúc này con cần phải làm những việc quan trọng hơn. Đợi đến khi mẹ khỏi bệnh con sẽ lại học tiếp, con sẽ vào đại học bố ạ, chỉ là đi sau các bạn vài bước thôi.
Lần đầu tiên trong đời, nó nhìn thấy bố khóc, đôi mắt đỏ hoe ầng ậc nước.
======================
Dám thực hiện ước mơ là một việc làm vĩ đại, nhưng dám sống vì người khác là một vĩ nhân.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Quyển sách nhỏ

Sống đẹp

Sự nhẫn nại của tôi sắp cạn. Không lẽ ngày nào tôi cũng phải nhắc Linh đem trả cuốn truyện tranh mà cô bé đã mượn của trường.

Đã hơn 3 tuần nay, hễ tôi hỏi tới là cô bé lại cúi mặt nhìn xuống đất, lúng búng trong miệng: "Xin lỗi cô, con quên mang theo". Đã mấy lần tôi định tới nhà Linh đòi lại cuốn sách của trường. Gọi là trường nhưng thực sự chỉ là một lớp dạy chữ miễn phí, được mở ra ở một vùng quê hẻo lánh. Một hội đoàn từ thiện đã thuê tôi, một cô giáo mới ra trường, đến đây đứng lớp.

Học trò của tôi là con cái của những người nông dân suốt ngày cặm cụi trên những cánh đồng ngô cháy nắng. Đa số trẻ con ở đây phải ở nhà bế em, lo nấu nướng hoặc ra đồng giúp cha mẹ từ sáng đến tối. Chỉ chừng hai chục đứa được cha mẹ cho đi học ở chỗ chúng tôi. Cuộc sống ở đây thật chán, tôi chỉ mong cho hết hạn hợp đồng để thoát khỏi nơi này.

Sau khi học hết bộ chữ cái và học ráp vần, Linh được thưởng. Chúng tôi cho con bé mượn một cuốn truyện tranh chữ in thật to, dày chừng hơn chục trang, trong một tuần phải trả. Vậy mà Linh cứ lần lựa. Bực mình, một bữa nọ tôi dọa rằng nếu làm mất sách sẽ bị đuổi học, con bé nghe vậy hốt hoảng đáp: "Em thề là sách không bị mất, chỉ tại em quên".

Tối hôm đó, mất hai giờ đồng hồ vượt qua mấy quãng đồng trống tối tăm, tôi tìm đường đến xóm nhà Linh. Người ta chỉ cho tôi một túp lều vách đất, mái tranh. Bước tới sát cánh cửa đan bằng thân sậy khép hờ, tôi nghe thấy những tiếng ê a ngắc ngứ: "Bà..tờ...iê nờ iên...tiên...bà tiên...". "Bà tiên hiện ra và bảo...Đọc lại nào. Chậm thôi", một giọng trẻ con khác ra chiều bảo bạn.

Tôi nhìn qua khe cửa. Khoảng sáu bảy đứa trẻ đầu tóc xoăn tít ngồi xếp bằng quanh bếp lửa. Cạnh chúng là một người phụ nữ trẻ và một bà lão. Ngón tay dò trên cuốn sách (chính là cuốn truyện tranh mà Linh mượn ở trường không chịu trả suốt mấy tuần nay), hai người lớn chụm môi cố vật lộn với mấy tiếng "i ê nờ iên" đang mắc kẹt trong cổ họng. Đám trẻ con đã đọc xong câu văn, ngóng cổ chờ hai người phụ nữ đánh vần nốt. "Cô giáo" Linh đang háo hức chỉ bảo "học trò".

"Khi cháu nó khoe đã đọc được sách, tôi không tin", người mẹ trẻ đến mức đáng kinh ngạc của Linh phân bua, khi tôi đã vào nhà. "Ông bà tôi, cha mẹ tôi, rồi tới các anh các chị tôi không ai biết chữ cả. Tôi cũng không nốt. Mới mười bốn tuổi tôi đã đẻ Linh, thời gian đâu mà học", người phụ nữ trẻ lấy chiếc khăn lau mồ hôi lấm tấm trên cánh mũi. "Nó bảo, mẹ và bà cứ thử xem, con chỉ cho. Rồi nó rủ thêm mấy đứa con nhà hàng xóm cùng học. Từ cha sinh mẹ đẻ có bao giờ tôi mơ được học chữ. Giờ tôi biết khá khá rồi đấy. Tôi đọc cô giáo nghe thử nhé", bà của Linh ngượng nghịu nhìn xuống cuốn sách lấm lem nhọ nồi.

Cũng như ở trên lớp, Linh lại cúi gằm mặt xuống đất. Nó thì thào qua tiếng nấc: "Con xin cô, cô đừng mách. Con không muốn bị đuổi học". Và nó tròn mắt ngạc nhiên trước câu trả lời nghẹn ngào của tôi: "Ồ không, Linh. Người đáng bị đuổi là cô kìa".

======================
Quyển sách nhỏ nhưng có thể chứa đựng cả một tâm hồn lớn.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Hiếu

Hành trang cuộc sống

Ngày xưa, mẹ rất hay đánh con. Mỗi lần đều đánh đều rất đau, nhưng cậu bé cứng đầu chưa bao giờ khóc. Một hôm cậu mắc lỗi, mẹ chợt thấy thương con quá. Hôm đó bà đánh rất nhẹ nhàng.
Lạ thay, cậu bé lại oà khóc nức nở. Mẹ tra hỏi nguyên nhân, cậu bé đáp: "Con thương mẹ sức đã yếu rồi, nay đánh con cũng không đánh được đau". Mẹ cảm động lắm.


-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Tình Yêu Thương

Hành trang cuộc sống

Ngày xưa, buôn bán nô lệ da đen diễn ra hợp pháp. Trong buổi buôn bán nô lệ nọ, một chủ đồn điền giàu có đã hết sức xúc động trước tiếng khóc xé lòng của một nữ nô sắp bị đưa ra bán đấu giá. Xót thương tình cảnh cô gái, người chủ đồn điền đã ngã giá rất cao để mua bằng được cô gái ấy.
Khi buổi chợ kết thúc, viên thư ký đến trao cho người nữ nô tờ giấy thông báo cô đã được mua. Cô gái mở tờ giấy ra, hết sức kinh ngạc khi thấy trên đó chỉ vỏn vẹn hai chữ: "Tự do". Trong khi các nô lệ khác lần lượt bị lôi đi thì cô đứng lặng người chẳng nói được lời nào. Thế rồi cô chạy đến bên viên thư ký, nghẹn ngào nói:
- Ông chủ đã mua tôi đâu rồi? Tôi phải tìm ông ấy!
Và cô tiếp tục thổn thức: "Tôi phải phục vụ ông ấy cho đến hết cuộc đời tôi!"
Bởi tình yêu thương, người chủ đồn điền đã mua sự tự do cho người nô lệ. Bởi lòng biết ơn, người nô lệ tình nguyện phục vụ người chủ trọn cuộc đời.
Hành động của người chủ đồn điền đã khiến cô gái cảm động và sẵn sàng làm nô lệ cho ông cả đời. Một sự thật hiển nhiên là tình yêu có thể cột chặt con người ta hơn bất kỳ một hợp đồng với các điều khoản.

====================Kẻ được tha nhiều thì yêu mến nhiều, song kẻ được tha ít thì yêu mến ít.
-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Hành khất...

Sống đẹp

Phố chiều , những dòng người và đủ loại xe cộ chen nhau qua lại như mắc cửi. Vỉa hè, một lão hành khất ngồi co ro, bộ quần áo lỗ chỗ những mảng thông gió. Khách bộ hành ngang qua đều lách đi qua lão, chun mũi vẻ khinh miệt và ghê tởm ...
Chú bé loắt choắt ... cái xắc thì to. Bé vừa đi học về, năm nay bé vừa vào lớp 1. Bé đi về phía ông lão, dợm bước dường như sợ hãi. Rồi bé rón rén lại gần, vòng tay cúi đầu nhìn cụ già: "Cháu chào ông ạ". Lão ăn mày ngẩng đầu cười, nụ cười tươi như những chồi non nhú trên thân bàng, dẫu mùa đã sắp sang Đông ....

====================Con người luôn biết cười với nhau.
-Đọc ở một nơi nào đó-