Love is wonderful: Một thoáng bình yên cho trái tim êm đềm

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Luật giao thông

Hành trang cuộc sống

Bé Vi 3 tuổi. Bé đã nói được rất sõi và rất thích tìm hiểu mọi sự việc xung quanh mình. Ngày ngày đưa đón con đi học, người mẹ thường giải thích cho con về luật lệ giao thông khi qua ngã tư. Một hôm, bé thắc mắc:

- Sao chú kia không dừng lại khi đèn đỏ hả mẹ?

- ...

Có khi bé góp ý:

- Đèn đỏ mà. Sao mẹ chạy luôn vậy? Mấy chú công an phạt mẹ thì sao?

- ...

Một hôm, mẹ dừng lại ngay ngã tư đèn đỏ. Bé giục:

- Không có các chú công an. Chạy luôn đi mẹ!

==================
Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.
Châm ngôn

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Vé số

Hành trang cuộc sống

Ngày ấy, giống như bao thanh niên trẻ mới chập chững vào đời, máu hiếu thắng và lòng tự kiêu nhiều hơn kinh nghiệm đã khiến tôi không thể chấp nhận được thất bại.

Những chuỗi ngày sau đó thật kinh khủng. Tôi rúc mình trong phòng, mặc cho sự lo lắng, an ủi, động viên và cả cáu gắt của những người thân. Cứ thế suốt ngày lẫn đêm đến tuần thứ hai, ngột ngạt trong chính căn phòng của mình, tôi hé cửa và lang thang trên các con đường ngập nắng của Sài Gòn. Mệt mỏi, ngồi phịch xuống ghế đá công viên, tôi tựa người ngó mây trời lãng đãng. Chợt, ai đó lay tôi thật khẽ, một bàn tay đen đúa, gầy gò giơ tập vé số dày cộm trước mũi tôi mời gọi.

Chẳng buồn lắc đầu, tôi ngoảnh đi nơi khác cho yên thân, bàn tay ấy rút lại, không kỳ kèo. Một giọng miền Nam vang lên: “Cô nhìn lên vẫn thấy cả bầu trời mênh mang, cớ sao ôm sầu mà vô tâm với cả chính mình vậy cô?”. Giật mình vì bị người bán vé số bắt trúng tim đen, tôi đưa mắt nhìn xuống và bất ngờ khi thấy chị, người phụ nữ mất hai chân gần đến gối, ngồi bệt trên tấm ván cũ mèm gắn 4 bánh xe. Tay chị xỏ vào chiếc dép nhựa để di chuyển, tay kia nắm chặt tập vé số, đằng sau cột bịch nilon lỏeng xoẻng ve chai nhặt trên đường đi.

Ánh mắt điềm tĩnh, rạng ngời sức sống trong cơ thể khiếm khuyết của chị làm tôi sững người. Hiếu kỳ, tôi bắt chuyện và nhận thấy rằng chị khá lưu loát trong ăn nói. Bỗng chị đề nghị tôi theo chị về nhà cho yên tĩnh. Chẳng biết thế nào tôi lại gật đầu theo một người xa lạ cuốc bộ gần 5 km ra ngoại ô. Chân mỏi nhừ, tôi quên cả buồn chán vì mệt và đói. Nhà mà chị gọi thực chất là một túp lều chỏng chơ bên cái lò gạch cũ kỹ, hai bên vách tre cứ chực đổ khi có ai tựa lưng vào. Bên trong là một cái giường cũng bằng tre xiêu vẹo, cao khoảng một gang tay. Trên ấy xếp ngay ngắn vài quyển vở trẻ con đã bong bìa, xỉn màu. Thằng bé con chị độ 8 tuổi, mặt mũi còn lem nhọ nồi reo vang khi thấy chị về. Nó đỡ mẹ lên giường, nhanh tay xoa bóp tay cho mẹ. Đón cốc nước từ tay thằng bé, tôi lặng người nghe chị chậm rãi kể về cuộc đời mình.

Chị sinh ra trong một gia đình khá giả. Do xinh nhất làng nên nhiều đám đến hỏi chị về làm vợ. Chị gật đầu ưng thuận về với anh nông dân hiền lành. Ngỡ cuộc đời êm xuôi khi chị sinh cho chồng đứa con trai kháu khỉnh nhưng bỗng đâu biến cố chen nhau nhảy vào đời chị. Cả bố mẹ và chồng chị đều mất sau một tai nạn giao thông thảm khốc. Riêng chị, để được sống phải cắt bỏ hai chân. Khoảng thời gian điều trị ngốn hết tài sản bố mẹ để lại cho chị. Sau khi lành bệnh, hiu quạnh giữa cuộc đời, lắm lần chị đã định quyên sinh, nhưng nghĩ đến con, chị căng mình sống tiếp. Nói đến đây mắt chị đỏ hoe. Gạt nước mắt, chị với tay lấy quyển vở khoe với tôi những con chữ tròn xinh do chính chị dạy cháu viết, vì chị không có tiền cho cháu đi học. Buổi chiều ngày hôm đó với tôi thật dài.

Chia tay mẹ con chị, tôi ào chạy về nhà như cơn lốc, lòng nhẹ tênh theo gió chiều. Tối đó, tôi ăn sạch hai bát cơm to đùng trong hân hoan và ngạc nhiên của cả nhà. Không ai biết được rằng, hình ảnh đôi bàn tay sạm nắng của chị chen chúc trong muôn nghìn vất vả của cuộc đời đã in sâu vào lòng tôi. Niềm tin và nghị lực của chị đã lây sang đôi lúc nào không biết. Bàn tay ấy không chỉ là trợ thủ đắc lực của chị, nó cũng đã dạy cho tôi niềm tin tiếp tục vào đời. Tôi quyết tâm đón chờ ngày mai đến dù nó có khó nhọc ra sao, vì được sống, và được yêu, là một hạnh phúc lớn lao.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Chị và em

Truyện rất ngắn

Em đậu đại học. Một cuộc sống mới bắt đầu ở thành thị. Chị tiếp tục quãng đời “buôn quang bán gánh”.

Mỗi lần về quê thăm, chị luôn trầm trồ khen em ngày một “trắng da dài tóc”. Còn em xót xa nhìn chị gầy và đen hơn. Nhưng sao nụ cười của chị vẫn hồn nhiên, rạng rỡ… Khi đi, chị dúi vào tay em mỗi lần một nhiều hơn. Em bâng khuâng, nước mắt lưng tròng

Cuộc sống mới lại cuốn em vào vòng xoáy. Em có những niềm vui mới, những cuộc chơi mới. Nỗi bâng khuâng thoáng chốc vụt tan ra…

-Đọc ở một nơi nào đó-