Love is wonderful: Một thoáng bình yên cho trái tim êm đềm

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

500 và 500.000



Truyện rất ngắn

Một ngày nọ, trong một chuyến phiêu lưu, một tờ giấy bạc trị giá 500 gặp một tờ bạc khác trị giá 500.000.
500 hỏi:
- Cậu thật to và thật đẹp, hãy kể cho tôi nghe những nơi mà cậu đã đi qua.

500.000 kiêu hãnh trả lời:
- Tớ chu du đó đây, đến những sòng bạc sang trọng, ngang qua đại dương trên những du thuyền đắt tiền, tham dự những trận bóng đá đỉnh cao của thế giới, ghé thăm những quán bar, vũ trường lấp lánh ánh đèn... còn cậu đã đi những đâu?

- Đến với những mảnh đời bất hạnh - 500 nhẹ nhàng đáp.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Cuộc gặp gỡ vô tình


Truyện ngắn

Chiếc xe khách từ từ dừng lại. Chú lơ xe vừa nở nụ cười vừa đưa tay kéo bổng tôi lên. Thật dễ chịu! Lại nhớ cái thời bao cấp, mấy ông xe khách chỉ kém ông trời, hành khách thì bị coi như lợn. Hoan hô đổi mới, hoan hô đủ mọi thành phần kinh tế, hoan hô Bộ Giao thông Vận tải, nhất là những công ty xe khách đường dài. 
Tôi loạng choạng đi về phía sau xe, cô gái ngồi một mình nhếch mép cười như mời tôi ngồi cùng. Tín hiệu của đàn bà thì đàn ông bắt nhanh lắm. Động tác nhích người vào phía trong chính là lời mời mọc. Còn gần 300 cây số nữa mới tới thành phố trung tâm, có người bạn đường thế này thì sướng nhất thế giới rồi còn gì. Sáng nay ra ngõ mình gặp ai thế nhỉ? À phải rồi, gặp một con trâu cái nhà hàng xóm, hình như nó có chửa nữa. Ánh mắt con trâu nhìn tôi có cái gì đó rất lạ. Liệu đó có phải là sự linh ứng với việc gặp gỡ cô gái trên chuyến xe này? 
Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, một chút va chạm nhẹ vào người cô gái. Sự may mắn đến quá nhanh, ánh mắt cô ta có vẻ rất chân thành. Tôi cố tình không vồ vập, mặc dù trong lòng như đang có lửa cháy. Mùi thơm rất nhẹ từ một bông hoa rừng cài trên tóc cô càng như đốt trái tim tôi. Cần phải lấy can đảm thể hiện mình là một người đàn ông có bản lĩnh trước gái đẹp - tôi tự nhủ lòng mình như vậy. 
Tôi sắp xếp chiếc cặp ở một vị trí hợp lý dưới chân. Lại một sự đụng chạm khe khẽ nhưng vô tình, thật tuyệt. Tôi đang vắt óc tìm một câu làm quen sao cho lịch sự nhất, ga lăng nhất, biết rằng những câu nói đẹp cực kỳ có tầm quan trọng trong giây phút đầu tiên. 
Chú nhóc lơ xe tiến tới, chìa tay về phía tôi: 
- Dạ, xin anh chị tiền xe. 90 ngàn một vé. 
Hóa ra bây giờ nhà xe mới thu tiền. Cô gái đẹp mở ví. Tôi nhanh hơn đưa tờ 200 ngàn cho chú lơ: 
- Trả luôn cho cô này nhé. 
Cô gái lấy 90 ngàn trả cho tôi. Một phút lưỡng lự, tôi thể hiện như muốn tặng chiếc vé, số tiền chẳng đáng là bao. Cô gái cố nhét tiền vào tay tôi. Có lẽ còn sớm quá để tặng, tôi nhận lại tiền. Dù sao cũng là cái cớ để làm quen. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện, những chuyện tầm phào. 
Xe chạy đều đều, đường vùng cao nhưng đã được đổ bê tông bằng phẳng khiến người trên xe không có cảm giác đang đi qua địa bàn một huyện miền núi. Chiếc xe bất ngờ nghiêng mạnh khi chạy qua một cua tay áo. Cô gái nghiêng đầu vào vai tôi, một cảm giác dễ chịu lan tỏa êm êm chạy khắp người. Cảm ơn đoạn đường cua tay áo nhé, tôi cười thầm với chính mình. Không biết còn bao nhiêu khúc cua gấp thế này nữa nhỉ? Ước gì có thật nhiều đoạn đường cong. Cô gái lấy lại thăng bằng. Một chút gượng gạo, cô vuốt lại mái tóc bồng bềnh như mây. Tôi tranh thủ ngắm kỹ hơn cô ta. Đúng là một người đẹp, nhưng nét ngây ngô lại chứng tỏ nàng chắc chắn gốc gác miền sơn cước. Với kinh nghiệm nhiều năm đi miền núi, tôi biết, cô nào đẹp thì rất đẹp. Vẻ đẹp hoang sơ khi thêm một chút trang điểm bỗng chốc hóa thiên thần. Hình như tôi đang có cảm giác chìm dần vào đôi mắt của cô gái này, một đôi mắt sâu thẳm và trong veo như hồ Baikan ở nước Nga xa tít. 
- Em là sinh viên học ở Hà Nội phải không? 
Cô gái cúi nhẹ, chiếc cằm dài thon như trái xoài cát chạm vào chiếc nơ trên ngực. Cô khẽ lắc đầu: 
- Không, em không phải là sinh viên. Em mới học hết lớp 5 thôi. Em đi làm rồi. Nhà em ở trên đỉnh núi Ké, xa lắm, ở đó chỉ có đá tai mèo lởm chởm mà thôi. Quê em nghèo lắm, chưa có ai học hết phổ thông thì sao vào đại học được. 
Cô gái nhìn tôi xa xăm. Câu chuyện sơ yếu lý lịch của cô khiến tôi xúc động. Tôi là thằng đàn ông đa cảm bởi những câu chuyện vu vơ. Nhưng đây lại là một câu chuyện thật một trăm phần trăm. Tôi cố đoán tuổi em mà không sao đoán nổi. Chắc ngoài 20 gì đó. Hỏi tuổi phụ nữ hơi bất nhã. Không hiểu sao cứ gặp phụ nữ là tôi lại rất muốn biết họ bao nhiêu tuổi. Đó là một tật xấu vô cùng. 
Em kể rằng, em sinh ra và lớn lên ở cao nguyên đá. Chà, thật tuyệt. Tôi đã có dịp lên cao nguyên đá nhân một chuyến lên cột cờ Lũng Cú. Có lẽ không có nơi nào khổ bằng người dân sống trên cao nguyên đá vùng cực Bắc Tổ quốc. Hình ảnh những cô gái dân tộc Mông đi đâu cũng đeo gùi đằng sau trông thật thương cảm. Bao nhiêu thế hệ rồi tôi không biết, chỉ biết rằng những đôi vai gầy và trắng kia sẽ gắn bó với cái gùi như một cái ách trong cuộc đời, cái ách ở cao nguyên đá. 
Cô gái thiu thiu ngủ trong du dương những bản nhạc vàng. Bài hát "Rừng lá thấp", tôi rất thích bài hát này. Cô ngả đầu vào vai tôi. Thế là tôi gánh thêm một trách nhiệm phải giữ thật êm ái cho nàng ngủ. Tôi mong con đường dài thêm, thậm chí dài vô tận để bông hoa rừng tựa mãi vào tôi. Chỉ cần ngoảnh mặt lại một góc chừng 20 độ là môi tôi có thể chạm vào môi nàng. Nàng gần đến nỗi khiến tôi ngửi thấy mùi đàn bà từ người nàng phả vào mũi tôi. Một phản xạ tự nhiên của đàn ông trỗi dậy trong tôi, đó là thèm muốn chiếm đoạt. Có nên xấu hổ với phản xạ vô điều kiện này không nhỉ, tôi bất chợt tự hỏi thầm mình như vậy. Và một giây sóng dậy, tôi lợi dụng xe nghiêng vào cua, cúi xuống hôn vào môi nàng. Không có sự phản ứng nào hết, hình như nàng còn hơi cười như thể trong mơ. 
Nàng là ai thế nhỉ? Bông hoa rừng đẹp hoang sơ sao bỗng nhiên bí hiểm thế này. Tôi thấy nàng gần gũi lắm, gần như chính nàng là người yêu của tôi. Trong tôi bùng lên một ngọn lửa vô hình, và nàng liệu có là bó rơm khô sẵn sàng cháy thành ngọn đuốc? Nàng sang trọng hay thấp hèn, bên trong những nét xinh đẹp là cái gì cơ chứ. Đã có ánh mắt trong xe nhìn trộm chúng tôi, những ánh mắt tò mò hay ghen tị, những ánh mắt hiếu kỳ hay cảnh báo một điều gì chăng, không cần biết. Trong tôi chỉ nung nấu một điều - đó là chinh phục được nàng mà thôi. Phải chăng đây là sự sắp đặt nhân duyên từ kiếp trước? Gần đây người ta hay nói tới tiền kiếp, liệu tôi với nàng có dính dáng gì tới tiền kiếp hay không? 
Xe dừng nghỉ ở một thị trấn nhỏ cho hành khách ăn trưa và xả hơi sau một chặng đường dài. Một thị trấn thuộc miền trung du. Tôi đập nhẹ tay lên vai đánh thức nàng. Vẻ mặt ngái ngủ mơ mơ màng màng khiến nàng càng đẹp hơn. Một cơ hội nữa tới, tôi có lý do mời nàng ăn trưa, và lời mời được chấp nhận. Sự cô đơn giữa những con người xa lạ đã tạo ra bao nhiêu những mối tình trong những chuyến đi xa như thế này? Đã có ai thống kê trên thế giới mỗi năm có bao nhiêu người đã yêu nhau trên xe khách? Ý nghĩ của tôi thật buồi cười, hình như tôi đã yêu nàng thật rồi. Lý do yêu ư, nhạt thếch. Có lẽ mong một sự chiếm đoạt hơn là yêu, đàn ông là vậy. Đàn bà liệu có ý nghĩ ấy không nhỉ? Chắc là cũng như nhau cả thôi. 
Tôi đỡ nàng xuống xe. Chú lơ xe nói nhỏ vào tai tôi: "Anh may nhất xe đấy". Tôi đón nhận thông tin này một cách hờ hững. Tôi với nàng vẫn đang là hai người xa lạ. 
Tôi đưa nàng đi dọc đường phố huyện. Rất nhiều quán cơm bình dân với biển đề "gà chạy bộ một trăm phần trăm". Hay thật, những năm gần đây người ta thường dùng cụm từ "một trăm phần trăm" để khẳng định thương hiệu. Tôi hỏi nàng: 
- Em muốn ăn gì? Gà chạy bộ một trăm phần trăm được không? 
Nàng gật đầu: 
- Thế nào cũng được, đàn bà chúng em ăn đơn giản lắm. Anh cho em ăn theo nhé. Tôi chỉ chờ có thế, gọi hai đĩa cơm gà. Bây giờ, cái sự được ngồi bên nàng là quan trọng nhất, ăn cái gì cũng ngon. Nhân gian từng nói, quan trọng là ngồi ăn với ai chứ không phải là ăn cái gì, đúng quá. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, thật gần. Bất ngờ nàng hỏi thẳng:
- Anh có vợ chưa?
- Chưa. Đang đi tìm…. 
Nàng lơ đãng tiếp nhận thông tin này. Hình như biết tôi chưa vợ nàng cũng chẳng có biểu hiện vui hơn. 
Tôi hỏi nàng: 
- Em làm nghề gì? 
Nàng cầm đôi đũa gẩy gót vào đĩa dưa muối một cách sành điệu: 
- Em làm 2 nghề, một nghề đàng hoàng và một nghề khốn nạn. 
Tôi đứng tim khi nghe em nói. Hóa ra em không phải là cô bé còn trong trắng vô tư! Bao giờ đứng trước đàn bà tôi cũng bị nhầm, không nhầm kiểu này thì nhầm kiểu khác. Khốn nạn thật, đọc bao nhiêu sách nói về đàn bà mà tôi chẳng bao giờ nhận xét về đàn bà đúng cả. Mà nghề "khốn nạn" là nghề gì? Sao tôi ngu quá thế, lần nào đứng trước đàn bà tôi cũng ngu si đần độn vô cùng. 
Nàng gắp cho tôi miếng thịt gà nướng thơm. Nàng bảo: 
- Thịt gà nướng ăn kèm với dưa chua là ngon nhất trên đời. Nhà em ở cao nguyên đá, chỉ đến tết mới được ăn như thế. Nhà siêu nghèo mà anh. 
Tôi ngoan ngoãn ăn mà không biết phải nói gì với nàng. Tôi nhìn miệng nàng nhai cơm, duyên dáng và sang trọng, tất nhiên có pha một chút giả dối điêu toa. Bây giờ thì tôi đã trở thành một kẻ ngây ngô trước mắt nàng. Đời vẫn thế, bao đời nay rồi, đàn ông thường là kẻ ngốc nghếch trong mắt đàn bà, ngốc nghếch ngay trong sự khôn ngoan. 
- Anh đã hiểu chưa, hiểu cái nghề khốn nạn mà em đang làm chưa? Một chàng trai như anh mà không hiểu ra ư, đó là nghề làm gái. Thân phận đàn bà có nhiều cái nhục nhã, tuy nhiên nhục nhất là nghề bán dâm. Không còn gì tủi nhục hơn. 
Tôi nghẹn miếng cơm trong cổ, nuối không trôi. Giời đất ơi, người con gái tựa đầu vào vai tôi ngủ suốt mấy tiếng đồng hồ trên xe, người mà tôi cố tình hôn trộm này lại là gái điếm ư? Tôi húp một muỗng canh cho trôi miếng cơm trong họng. Tôi không tin đó là sự thật, chắc nàng đang đùa tôi. Tôi hỏi: 
- Em tên là gì? 
Nàng bảo: 
- Cái tên có ý nghĩa gì đâu. Chỉ có tác dụng phân biệt người này với người kia. Giá như đời không ai có tên thì hay biết mấy... 
Nàng trả tiền cơm cho tôi, động tác lấy tiền từ ví ra rất điệu nghệ và nhanh khiến tôi không kịp phản ứng. Nàng kể khúc nhôi thời gian đi làm gái cho tôi nghe như một cách sám hối. Cách đây 4 năm, lúc đó mới 17 tuổi, nàng đã phải bán trinh tiết lấy 1 chỉ vàng chữa bệnh cho mẹ. Đó là cái đêm kinh hoàng nhất trong đời nàng. Gã đàn ông sở hữu nàng một đêm là một doanh nhân thành đạt. Chính bạn thân của nàng đã môi giới việc này. Nàng bảo, không bao giờ nàng ân hận việc bán trinh tiết cứu bậc sinh thành. Chính đồng tiền đã kéo nàng vào nghề làm gái, nàng còn gì đâu để mất. Không có tiền thì chết. Đó là câu chuyện nàng kể, không biết trong đó có bao nhiêu phần trăm sự thật. Tuy không tin hết những điều nàng nói, nhưng tôi vẫn thấy thương nàng. 
Xe chuẩn bị lăn bánh, còn gần 100 cây số nữa là tới thành phố. Nàng lại ngả vào vai tôi, mấy sợi tóc bồng bềnh mơn trớn trên má tôi, một cảm giác làm tình. Nàng không ngủ nữa mà khóc. Tiếng nấc trong lòng, mi mắt ướt nỗi đau. Nàng bảo tôi: "Em thèm được yêu quá. Yêu là thế nào hả anh. Liệu có ai yêu em không nhỉ. Giá như em được làm vợ đích thực một đêm thôi. Anh có biết làm chồng là thế nào không?". Nàng ngước lên nhìn tôi, ánh mắt như một câu hỏi lớn. Tôi nhìn đáp lại, hai ánh mắt gặp nhau, không chớp. Tôi hiểu nàng đang mời mọc tôi làm chồng, dù chỉ một đêm thôi. Điều đó thật hạnh phúc. 
Tôi theo ánh mắt nàng về một khu nhà trọ khá khang trang. Nàng thuê một phòng rộng rãi có công trình khép kín. Những vật dụng bày biện ngăn nắp, sạch sẽ như trong khách sạn. Nàng là kẻ có tiền. 
Một phụ nữ trung niên xuất hiện. Nàng chỉ tay vào tôi: "Dạ, xin giới thiệu với cô đây là chồng cháu". Bà chủ nhà nghỉ gật đầu, mỉm cười với tôi: "Chào cậu". Gọn ghẽ thế thôi.
Nàng bảo tôi ngồi đợi để nàng đi chợ mua đồ ăn. Một cảm giác hạnh phúc dâng trào trong tôi, thật khó tả. Tôi không thể phân định được tình cảm của mình, cứ như kẻ đứng giữa ngã ba đường vô định. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng trôi qua mà nàng vẫn không về. Ruột tôi bắt đầu có lửa, chuyện gì đang xảy ra thế này?
Bà chủ nhà cầm tờ giấy ghi nợ chìa vào mặt tôi: "Này, cậu hãy trả tiền thuê nhà một năm cho vợ đi chứ!". 
Thì ra, nàng thì đã biến mất từ lúc xách giỏ đi chợ rồi!
-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Tình yêu là gì?


Truyện rất ngắn

Tôi gặp một cậu bé và hỏi: "Tình yêu là gì ?"

Cậu bé nói: "Là khi chú chó cưng liếm mặt mình..."

Tôi bật cười thành tiếng, nhưng cậu bé nói tiếp:

"... mặc dù ta bỏ nó cô đơn cả ngày"

-Đọc ở một nơi nào đó-

Mẹ chỉ toàn nói dối thôi


Truyện rất ngắn


Khi trên tay mẹ có cái đùi gà, mẹ sẽ nói"
“Con ăn đi, mẹ không đói ...”

Khi trước mặt mẹ có đủ sơn hào hải vị, mẹ sẽ nói" “Con ăn đi, mẹ không thích ăn...”

Khi trời oi bức, trên tay bạn chỉ có một ly nước, mẹ sẽ nói " “Mẹ không khát, con uống đi ...

Khi đêm đã vào khuya mẹ vẫn còn ngồi khâu áo, bạn đến hỏi han, người sẽ nói" “Khuya rồi, con đi ngủ đi, mẹ không mệt đâu ...”

Khi bạn đã thành đạt, mua quà về biếu mẹ, mẹ sẽ nói “Thôi mua chi cho lắm, mẹ không thích đâu” .

Ngày xưa toàn là mẹ cho bạn tiền ăn vặt, đến khi bạn gửi tiền mẹ xài, mẹ sẽ nói" “Mẹ có tiền rồi, con cứ cất mà dùng ...”

Khi bạn rước mẹ đến một chỗ ở mới tốt hơn, mẹ sẽ nói" “Thôi, mẹ quen nhà cũ rồi...”

Khi mẹ nằm trên giường bệnh, ai cũng hỏi mẹ có đau lắm không? mẹ sẽ nói" “Con đừng lo, mẹ không đau chút nào cả !

Người mẹ của chúng ta đấy, lúc nào trong câu nói dối của người cũng ẩn giấu sự hiền từ quá đỗi yêu thương..

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Nước mắm

Truyện ngắn

Hạ rất xinh. Từ nhỏ, ai thấy nó cũng hỏi sao nó khác mẹ thế. Mẹ nó vừa đen, vừa già, mũi thì tẹt. Ba mẹ nó lấy nhau khá muộn, sinh được đứa con gái kháu khỉnh, khỏe mạnh là niềm hạnh phúc vô bờ.
Nhưng ba nó cũng chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn mấy năm. Nó không giống ba, mà giờ có ai hỏi mặt ba, Hạ cũng chỉ biết nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ chứ không nhớ. Ba nó mất vì xơ gan khi nó 6 tuổi.
Mẹ bán nước mắm ở chợ huyện để nuôi Hạ ăn học. Mỗi lần cô giáo bảo ghi tên ba mẹ, nghề nghiệp là nó ghét nhất. Nó ghi vẻn vẹn hai dòng:
Ba bệnh nặng đã mất.
Mẹ Nguyễn Thị Hiền: buôn bán.
Thằng Tí ngồi bên cự cãi: “Mày viết sai” rồi đứng dậy trước lớp:
“Thưa cô mẹ nó làm mắm và bán nước mắm thì phải ghi thế chứ ạ?”
Cả lớp cười rộ lên. Dù cô giáo nhắc nhở và nói thế nào, chúng nó vẫn cười khúc khích. Có đứa còn vờ lấy tay che mũi: “Hèn gì tao nghe nó có mùi mắm thúi tụi bây ơi”. Năm đó, Hạ mười tuổi.
Nó dần dần tách xa khỏi đám bạn trong lớp và không chơi với ai. Mỗi lúc rảnh rỗi, thay vì có thể giúp mẹ công việc và lên chợ phụ bán hàng mắm, nó đều viện cớ làm bài tập.
Họp phụ huynh Hạ cũng không bao giờ thông báo về cho mẹ. Cô giáo hỏi lý do, nó chỉ lí nhí nói xin lỗi rồi đứng im lặng. Thằng Tí khều nó:
“Mày cứ nói là mẹ mày mắc bán mắm đi” rồi quay sang mấy đứa kia cười chế nhạo. Nó chỉ ước đấm cho Thằng Tí mấy cái rồi chạy về nhà.
Cô giáo đã gặp mẹ Hạ nói chuyện. Đêm đó, mẹ nó khóc. Hạ chỉ thấy mẹ khóc lúc đám tang bà ngoại và đám tang ba nó. Mẹ nó xin lỗi, rằng vì mẹ mà nó phải xấu hổ với bạn bè. Nhìn những giọt nước mắt chảy ra từ khóe mắt héo hon của mẹ, nó chợt nhận ra mẹ đã hao gầy biết bao nhiêu.
Những hình ảnh xô đẩy nhau chạy về trong tâm thức. Hạ nhớ, mỗi sáng mẹ thức dậy từ sớm, chuẩn bị đồ ăn cho nó rồi dắt chiếc xe đạp, đạp ra phía biển cách nhà hơn 10 cây số, chọn mua mớ cá tươi nhất. Cả ngày hôm đó lại cặm cụi suốt buổi với mớ cá tanh rì. Đêm đến, chốc chốc lại trở dậy để kiểm tra xem có con gì vào phá không, kiểm tra các hũ đậy có vừa không…
Muối được mẻ mắm ngon không phải dễ, phải kỳ công và tỉ mẫn. Mẹ khéo tay nên ai cũng muốn mua nước mắm do mẹ nó làm, vừa ngon vừa chất lượng. Hơn nữa lại chắt chiu trong đó từng giọt mồ hôi và biển nguồn yêu thương của mẹ dành cho nó. Vì vậy, mỗi lần nếm vị nước mắm đó, nó nhận ra đơn giản không chỉ là mùi vị đặc trưng của biển trời hay của mùi nguyên thủy của cá, mà là mùi vất vả và thương yêu.
Hạ cầm bàn tay chai sạn vì làm cá đến mất cảm giác của mẹ, rồi ôm lấy bờ vai của người: “Ngày mai, mẹ gọi con dậy với nhé! Con muốn ra chợ cùng mẹ”. Mẹ mỉm cười, nụ cười hạnh phúc y như nụ cười lần đầu tiên trông thấy thiên thần nhỏ của mẹ chào đời.


-Đọc ở một nơi nào đó-

Cục tẩy và bút chì

Truyện rất ngắn

Bút chì: Con xin lỗi !

Cục tẩy: Vì cái gì thế, con yêu ? Con có làm gì có lỗi đâu !

Bút chì: Con xin lỗi vì mẹ phải chịu đau đớn vì con. Bất cứ khi nào, con phạm phải sai lầm, mẹ lại luôn ở đó sửa sai giúp con. Nhưng khi mẹ làm điều đó, mẹ lại làm hại chính mình. Cứ mỗi lần như thế, mẹ lại ngày càng bé hơn.

Cục tẩy: Điều đó đúng ! Nhưng bé ơi, mẹ chẳng phiền đâu. Con nhìn xem, mẹ được tạo ra vốn để làm việc này mà. Mẹ được tạo ra để giúp con bất cứ khi nào con phạm phải sai lầm. Mặc dù mẹ biết ngày nào đó mẹ sẽ mất đi và con sẽ thay thế mẹ bằng người khác nhưng mẹ vẫn rất vui với những gì mẹ đã làm. Vậy nên, đừng lo lắng nữa nhé ! Mẹ ghét nhìn thấy con buồn lắm !
Tôi đã tìm thấy mẫu đối thoại nhiều xúc cảm này giữa cây Bút chì và Cục tẩy. Cha mẹ cũng giống như Cục tẩy này vậy và ngược lại con cái là những cây Bút chì. Họ luôn có mặt vì bọn trẻ và sửa chữa những sai lầm của chúng. Thỉnh thoảng vì điều đó, họ phải chịu đau đớn, họ trở nên "bé" đi Và dù cho bọn trẻ rồi sẽ tìm thấy một ai đó khác thay thế (vợ – chồng) cha mẹ vẫn rất hạnh phúc vì những gì họ đã làm cho con cái mình, hiển nhiên rất ghét phải nhìn thấy những báu vật quý giá của họ lo lắng hay phiền muộn. Suốt cuộc đời mình, tôi đã luông là cây bút chì. Và điều đó làm tôi đau đớn khi nhìn thấy những cục tẩy – ba mẹ mình – lại bé đi mỗi ngày. Vì tôi biết sẽ một ngày nào đó, còn lại với tôi chỉ là những vụn tẩy và những kỷ niệm tôi có với họ.

Ước gì Bút Chì luôn viết đúng để Cục Tẩy được kéo dài cuộc sống !


-Đọc ở một nơi nào đó-