Love is wonderful: Một thoáng bình yên cho trái tim êm đềm

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Chăn ấm

Truyện ngắn

Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh - một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô.

Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi. Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.”

Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa.

Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây.

Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới. Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở. Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi.

Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa.

Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em cuộn tròn trong lòng tôi say giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và tình cờ tôi nhìn thấy một vết sưng nhỏ trên tay em, như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi, thực ra em đã bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì tôi bất tài mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em, tôi thầm hứa cố gắng làm việc, phấn đấu để thành đạt, để bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi nhận tiền bán máu để mua chiếc chăn mới. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em...”

Nước mắt cô đã ướt đẫm từ khi nào. Tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm như ngày nào. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời...

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

I Wanna Do Right



I wanna do right
Wanna do what's right
I'm gonna give You all my life
I put my trust in You Jesus
And You'll show me how to do right

Hey, hey every word I say
Oo oo I wanna be like You
Oh! my my everyday goes by
I wanna be more like You
I wanna be more like You

I was made to give You praise
Make me more like You
I was made to give You praise
Make me more like You
In all I do

Hey, hey every word I say
Oo! oo! I wanna be like You
Oh! my my everyday goes by
I wanna be more like You
I wanna be more...
Like...You
I wanna be more...
Like...You

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Cuộc sống

Truyện rất ngắn

Ngày xưa, bố mẹ ly dị.
Bố giàu còn mẹ thì nghèo nhưng vẫn cố gắng chắt bóp từng đồng cho con học Organ và Tiếng Anh ở những trường tốt.
Nhiều khi hết tiền đành phải vay mượn ông bà ngoại cho con học tiếp chỉ mong con biết được nhiều hơn mẹ thì đời sẽ đỡ vất vả hơn...
Con xót ruột chạy sang hỏi bố đóng tiền giúp con một khóa. Bố trước khi cho tiền đã bảo: “Đã nghèo mà còn bày đặt học cho lắm...”.
Con cầm lấy tiền mà không dám khóc trước mặt bố...

-Đọc ở một nơi nào đó-

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Đồng hồ cát

Truyện ngắn

Cuối cùng thì ba cũng đưa đứa trẻ đó về nhà. Con nhóc ấy gầy còm, nhỏ thó, đứng nép vào ba tôi tìm kiếm sự an toàn.
Hình như nó sợ bị mẹ ghẻ, chị ghẻ hành hạ như trong phim truyền hình. Chắc nó không biết kể từ khi biết đến sự tồn tại của nó thì tôi và mẹ đã không còn đủ sức chống chọi với nỗi thất vọng về người đàn ông duy nhất trong gia đình, làm gì còn tâm trí mà bạc đãi nó. Mẹ không đủ nhẫn tâm, tôi không đủ cay nghiệt, để rồi cứ thế nó bước vào tổ ấm chấp vá của gia đình tôi và thổi hết sinh khí đi.
Dạo này mẹ lo lắng và chăm sóc cho nó hơn cả tôi; theo lí luận của bà thì nó còn bé, nó thiếu thốn tình thương nhưng tôi biết vì để ba không phải day dứt mà mẹ xem nó như con ruột của mình. Tôi không hiểu tình yêu vĩ đại mẹ dành cho ba, không hiểu sự cao thượng mẹ dành cho nó, tôi chỉ biết là mình chấp nhận chứ không đón nhận nó.
Có một sự thật rất khó hình dung, con nhóc ấy bị tự kỉ. Điều đó không giống với những trò nghịch ngợm vờ chụp ảnh tâm trạng mà tôi và đám bạn thân hay chơi, đó là một thế giới cô độc thật sự. Nó ăn khi cả nhà chưa đói, ngủ khi mọi người đã thức dậy và luôn đặt một chiếc đồng hồ cát cạnh giường.
Tôi đã chú ý đến chiếc đồng hồ cát ấy từ khi con bé dọn về nhà, bởi nó gần như được làm hoàn toàn bằng tay, với hình dạng bên ngoài là vỏ chai nhựa xấu xí, nhưng những hạt cát bên trong lại mịn và trắng tinh như muối vậy.
- Cái này ở đâu em có vậy?
- Mẹ em làm.
- Cát ở đâu mà đẹp vậy?
- Nơi ba gặp mẹ em.
Đó là đoạn đối thoại dài nhất của chị em tôi. Sau hôm ấy tôi chợt nghĩ có lẽ ba tôi đến với mẹ nó bằng tình yêu thật sự, và tôi hoang mang thế còn tình yêu với mẹ tôi thì là gì? Những câu hỏi không có lời đáp càng khiến tôi lạnh nhạt với ba và xa lánh nó, mặc cho ba luôn nỗ lực quan tâm tôi và chăm sóc mẹ, nhưng lẽ thường là vậy, khi bạn dành tình cảm cho ai đó nhiều hơn người khác một chút thì lúc bị người đó làm cho tổn thương, bạn sẽ đau hơn một chút.
Thấm thoát mà con bé đã sống ở đây hai năm rồi. Nó lớn nhanh và đã ra dáng thiếu nữ, dù vài đường nét còn mờ nhạt. Khu phố tôi ở đúng kiểu văn minh thành thị - lạnh lùng và khép kín. Chẳng ai buồn thắc mắc cô em gái của tôi từ đâu đến, vì sao nó không đi học và càng không ai biết nó bị tự kỉ. Những người đàn ông vô tâm đi qua không rơi một tiếng chào, vài phụ nữ hiếu kì dừng lại và ghé mắt vào nhà tìm gì chẳng rõ, mấy cậu nhóc đứng thừ trước cổng. Chúng tương tư con bé.
- Em gái Hân thật đặc biệt! Cô bé vẽ đẹp lắm đấy, có lần tớ thấy…
- Thấy gì?
- À, đó là bí mật!
Quang tủm tỉm cười. Có gì đó nghẹn lại trong tôi, tôi biết Quang thích nó, nhưng Quang không biết tôi thích cậu ấy. Tôi dần thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ rộng lượng, ba chân thành, còn nó mỗi ngày đều vô tư tận hưởng tình thương của mẹ và sự bù đắp của ba, thế nên chút ghẻ lạnh của tôi với nó bỗng lọt thỏm giữa không gian bốn người mênh mông, nhưng không có chỗ cho sự nhỏ nhen.
- Em và Quang có bí mật gì thế?
- Nam và nữ không thể có chung bí mật.
- Vậy bí mật của em là gì?
- Mọi thắc mắc cho một bí mật đều rất ngu ngốc.
Đây không phải là điều một đứa trẻ 15 tuổi có thể nói ra. Tôi điên tiết với ý nghĩ nó đang trêu chọc mình, giờ tôi có thể khẳng định là tôi ghét nó, thật sự.
Trời đã như vào đông, cái lạnh dìu dịu len qua từng hơi thở. Hôm nay là một ngày chủ nhật lí tưởng cho buổi picnic mừng sinh nhật tôi. Ba đưa cả nhà ra ngoại ô. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi nhà ven chiếc hồ nhỏ trong xanh. Tôi lang thang tản bộ khi ba mẹ đang cặm cụi trải thảm, bày biện thức ăn. Tôi thấy con bé đang ngồi một mình trên cỏ và nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng, bên cạnh nó là chiếc đồng hồ với những hạt cát đang chầm chậm rơi, khung cảnh ấy đẹp như tranh vẽ.
- Chị tò mò muốn biết thứ này quan trọng với em như thế nào,.
Tôi cầm chiếc đồng hồ cát lên, vờ quay lại sau lưng để đánh lạc hướng con bé rồi nhanh tay quăng khúc gỗ vừa nhặt bên đường xuống hồ. Tôi giấu chiếc đồng hồ sau lưng, hả hê nhìn gương mặt nó biến sắc. Và nó nhảy xuống hồ, nhanh như tôi vứt khúc gỗ vậy. Tôi nhìn nó vẫy vùng trong nước và nhớ tới mẹ khóc một mình trong đêm, nụ cười bí ẩn của Quang, ánh mắt tò mò của hàng xóm. Tất cả tràn về trong tâm trí tôi, lộn xộn nhưng rõ ràng. Tôi mím môi quay lưng bỏ đi, lạnh lùng hơn cả cái rét ngoài trời.
Nó im lặng lắc đầu trước mọi câu hỏi của cảnh sát, dù họ khẳng định có người đã nhìn thấy tôi ở đó, họ nghi ngờ tôi đã đẩy nó. Ba kí vào biên bản thừa nhận đó là một tai nạn, mẹ nhìn tôi ráo hoảnh. Tôi thẫn thờ ra cổng bệnh viện và gặp Quang, tôi ước mình có thể ôm chầm lấy cậu ấy và khóc thật nhiều, nhưng tôi đã không làm vậy.
- Xin lỗi, nếu tớ đi cùng chắc chuyện này đã không xảy ra!
- Nếu cậu có lỗi thì tớ có tội!
Quang nhìn tôi vẻ khó hiểu rồi lấy trong túi áo ra một tờ giấy tập được gấp gọn gàng.
- Quà em gái cậu tặng đây. Cô bé nhờ tớ đóng khung giúp, nhưng tớ nghĩ tặng thế này có ý nghĩa hơn.
Bức tranh vẽ tôi đang ngủ say bên chiếc đồng hồ cát trên bàn học của nó. Đó là hôm tôi lẻn vào phòng nó với ý định đánh cắp chiếc đồng hồ, nhưng rồi tôi mê mẩn những hạt cát trắng tinh, cứ ngắm mãi rồi ngủ quên lúc nào không hay.
Mẹ thấy tôi đứng lấp ló ở cửa phòng bệnh. Bà bước ra khoác cho tôi chiếc áo choàng.
- Nó không phải được sinh ra từ lỗi lầm, mà vì lỗi lầm của người lớn đã làm khổ nó con à!
Tôi đặt chiếc đồng hồ cát bên giường bệnh và dốc ngược nó xuống. Những hạt cát đầu tiên bắt đầu rơi, khởi nguồn cho một yêu thương mới.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Con nuôi

Truyện rất ngắn

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói:
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy.
Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời: - Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nếu một ngày bạn vô tình gặp một chú nhện to bằng chiếc xe bus, thì sao nhỉ

Khoa học

Nếu 1 ngày nào đó Hà Nội bị 1 đàn kiến, nhện khổng lồ xâm lược thì bài viết này có thể sẽ giúp bạn trở thành người hùng tiêu diệt quái vật. Hoặc chí ít là cũng tự bảo vệ được mạng sống của chính mình.
Các như đã bàn ở phần trước, các loài siêu côn trùng, sâu bọ là một trong những ứng cử viên thường xuyên được xuất hiện trên màn bạc nhất trong số các loài quái vật khổng lồ. Lý do nhìn chung khá đơn giản: ai cũng sợ 1 đàn nhện, 1 đàn kiến đầy lông lá với những cái nanh bén ngọt với kích thước của 1... chiếc xe ô tô.

Và với ấn tượng rằng 1 con kiến có thể nâng được 50 lần trọng lượng cơ thể của mình, hoặc 1 chú nhện nhảy xa tới 30 lần chiều dài cơ thể khiến chúng ta đều cảm thấy hãi hùng với ý tưởng nhân sức mạnh ấy lên 100 hay 1000 lần. Đó là còn chưa kể tới số lượng đông đảo, tốc độ sinh trưởng chóng mặt của các loài côn trùng có thể khiến trái đất chật chội chỉ sau vài tháng trời được "thả rông". Tất cả những yếu tố ấy khiến các loài côn trùng như kiến, nhện được Hollywood đặc biệt ưa chuông khi muốn "dọa dẫm" khán giả.

Lông lá và hình dáng xấu xí và những miếng cắn đầy nọc khiến các loài côn trùng luôn đáng sợ với con người.

Tất nhiên phim ảnh vẫn luôn chỉ là phim ảnh, nhưng nếu bạn từng cảm thấy lo lắng rằng có 1 ngày nào đó có lũ châu chấu hay kiến khổng lồ xâm lược Hà Nội, thì bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được những kiến thức cơ bản để tồn tại và trở thành "anh hùng thời loạn".

Trước hết, hãy hiểu rằng việc phóng lớn 1 loài côn trùng như kiến, nhện đem đến những vấn đề rất khác so với việc phóng đại 1 con King Kong hoặc các loài động vật có xương sống. Và có những hạn chế về mặt sinh học khiến các loài côn trùng không thể lớn hơn 1 kích thước nhất định. Bạn hầu như không phải lo lắng về việc 1 con nhện lớn tới kích thước 1 con chó hay thậm chí là 1 con mèo. Lý do nằm ở cấu tạo hệ hô hấp của các loài côn trùng.

Trong khi con người và hầu hết các động vật có xương sống trên cạn khác như chó mèo, và thậm chí cả các loài bò sát, đều "thở" bằng phổi: Không khí được lấy vào trong khoang phổi, nơi có hàng trăm ngàn mao mạch có nhiệm vụ "trích" lấy Oxy và đưa vào máu, diện tích phổi của 1 người trưởng thành nếu trải ra trên 1 mặt phẳng có thể đạt tới 70 mét vuông, điều này khiến chúng ta có thể thu thập đủ lượng oxy trong mỗi lần hít thở để cung cấp cho các hoạt động sống của mình.

Lá phổi của chúng ta với hệ thống mạch máu dày đặc khiến việc hấp thụ oxy rất hiệu quả. Và máu mang oxy từ phổi theo hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể.

Sâu bọ thì không như vậy. Các loài sâu bọ như Kiến, Nhện không "thở" như chúng ta, chúng không có phổi. Thay vào đó oxy được cung cấp vào trong cơ thể thông qua 1 hệ thống gọi là các ống khí. Các ống khí này được phân bố rải rác trên khắp cơ thể của loài côn trùng và thông với môi trường bên ngoài. Không khí sẽ theo các chỗ tiếp xúc đi vào bên trong cơ thể của con vật và khuếch tán trực tiếp vào bên trong cơ thể, cung cấp trực tiếp cho vùng tế bào cần oxy.

Trong khi các loài côn trùng có hệ thống hô hấp bằng các ống thông khí mang không khí tới từng cơ quan 1 mà không thông qua hệ tuần hoàn. Các ống khí này thông trực tiếp ra bên ngoài cơ thể, vì thế có thể hiểu rằng 1 con côn trùng có rất nhiều "mũi".

Hệ thống này nhìn chung khá hiệu quả, đặc biệt là ở các con vật có kích thước nhỏ. 1 con vật có kích cỡ bằng con kiến sẽ rất khó phát triển 1 hệ thống cơ và phổi phức tạp chỉ để phục vụ cho việc hít thở như con người, hệ thống ống khí giúp các loài côn trùng kích thước nhỏ có thể cung cấp oxy trực tiếp đến từng bộ phận cơ thể của con vật dễ dàng hơn. Tuy nhiên có 1 vấn đề đối với hệ thống hô hấp ống khí kiểu này: Do oxy được khuếch tán thông qua thành của ống khí nên lượng oxy thu thập được sẽ tỉ lệ thuận với bề mặt tiếp xúc và nồng đồ oxy trong không khí, đồng thời do oxy được thẩm thấu trực tiếp vào tế bào mà không thông qua hệ thống tuần hoàn với các hồng cầu chuyên chở Oxy như con người, các tế bào nằm ở xa thành ống khí sẽ không nhận được oxy.

Tất nhiên các loài côn trùng lớn sẽ có hệ thống ống khí phân bố dày đặc hơn, tuy nhiên các ống khí khi quá nhỏ và len lỏi quá sâu sẽ không thể thông khí được vì các loài sâu bọ hoàn toàn không hít thở mà việc thông khi trong cơ thể với môi trường bên ngoài diễn ra tự nhiên. Chưa kể tới việc lượng oxy 1 con vật cần sử dụng sẽ tỉ lệ thuận với trọng lượng cơ thể, khi 1 con kiến lớn gấp n lần trọng lượng cơ thể sẽ tăng n^3 nhưng diện tích ống khí sẽ chỉ tăng n^2 lần. Điều này khiến lượng oxy cung cấp cho cơ thể của con vật sẽ bị thiếu hụt trầm trọng. Điều này khiến các loài côn trùng không thể lớn quá 1 kích thước giới hạn vì nếu quá lớn thì sẽ dẫn tới có những vùng cơ thể hoàn toàn không được cung cấp oxy. Loài châu chấu lớn nhất thế giới chỉ đạt chiều dài cơ thể khoảng 15cm và đó cũng là giới hạn của các loài côn trùng hiện đại.


Có thể bạn nào từng nhớ tới bài học sinh vật năm lớp 6 sẽ thắc mắc rằng trong SGK từng nói rằng thời cổ đại có những con chuồn chuồn đạt kích thước cơ thể dài tới hơn 1m. Thực sự đã có những loài côn trùng lớn như vậy tồn tại trên trái đất, tuy nhiên đó là ở thời kỳ nồng độ Oxy trong bầu khí quyển đạt tới 35%, lớn gần gấp đôi con số 21% hiện tại. Nồng độ Oxy cao hơn khiến hệ thống hô hấp bằng ống khí hoạt động hiệu quả hơn và chỉ cần diện tích tiếp xúc nhỏ cũng đem lại lượng oxy rất lớn.


Vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng nếu 1 chú kiến khổng lồ tội nghiệp đi lạc vào Hà Nội đầy bụi bặm và thán khí như hiện nay, nó cầm chắc sẽ chết vì... ngạt thở trước khi kịp "diễu võ giương oai".

Tuy nhiên, câu hỏi về chuyện bạn cần làm gì nếu phải đối mặt 1 đàn kiến khổng lồ như trong film Hollywood vẫn còn đó. Trong film The Eight Legged Freak, các diễn viên đối mặt với đàn nhện đột biến theo phong cách truyền thống của hollywood: 2 tay 2 súng tả xung hữu đột và liên tục headshot. Đối với các loài có xương sống như con người và các loài thú, súng ống là thứ vũ khí rất đáng sợ. 1 viên đạn xuyên vào trong cơ thể của con người có thể để lại rất nhiều hậu quả tồi tệ, bên cạnh việc phá hủy các nội tạng trọng yếu như não, tim thì 1 người khi bị trúng đạn phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tới chết. Chính vì lý do đó, tất cả những ai được huấn luyện sử dụng súng đều được dạy ngắm bắn vào đầu và các cơ quan trọng yếu như tim, phổi. Đối với con người, chân và tay thường là những vị trí mà chúng ta chỉ nhắm bắn khi muốn vô hiệu hóa đối thủ mà không muốn giết anh ta. Tuy nhiên để chiến thắng các "siêu sâu bọ", thói quen ấy sẽ cần phải thay đổi.

Khi đối mặt với súng đạn dường như các loài côn trùng khổng lồ có những lợi thế hơn chúng ta rất nhiều. Đầu tiên là ở lớp vỏ ngoài của các loài côn trùng. Không giống như chúng ta có lớp da mềm và kết cấu chịu lực là hệ thống khung xương bên trong, các loài côn trùng có hệ thống chịu lực chính là lớp vỏ cứng nằm ngoài cơ thể của chúng. Lớp vỏ cứng này hoạt động như một hệ thống "treo" các cơ quan nội tạng và bó cơ. Hãy tưởng tượng cơ thể của 1 con kiến có kết cấu tương tự như 1 họ hàng gần của chúng là các loài giáp xác như tôm, cua. Vì có xương cứng nằm phía ngoài cơ thể, các loài côn trùng khổng lồ chắc chắn sẽ chống đỡ tốt với súng đạn hơn nhiều so với lớp da mỏng manh của con người.

Lớp vỏ cứng bao quanh cơ thể khiến các loài côn trùng khổng lồ rất "nhờn" súng đạn.

Bên cạnh đó, hệ thống thần kinh của các loài côn trùng không giống như con người với não điều khiển toàn bộ hoạt động của cơ thể, tiêu diệt não là tiêu diệt các loài động vật xương sống. Nhưng với các loài động vật sơ khai như côn trùng, sâu bọ hệ thống thân kinh của chúng ở dạng các hạch nằm rải rác khắp cơ thể. Các hạch này nằm ở từng cơ quan 1 và chịu trách nhiệm điều hành từng cơ phận. Hệ thần kinh hạch khiến phần đầu của các loài côn trùng ít trọng yếu hơn. 1 con gián có thể bị đứt đầu trong hàng tuần mà vẫn sống và chỉ chịu chết vì... đói, 1 con giun đất thậm chí có thể... mọc ra đầu mới trong điều kiện thích hợp. Hơn nữa nhờ vào hệ thống hô hấp bằng ống khí, vai trò của hệ tuần hoàn đối với sâu bọ ít quan trọng hơn so với chúng ta. Chúng ta dựa vào máu để vận chuyển oxy và dinh dưỡng tới các tế bào vì vậy hệ tuần hoàn của con người vận chuyển rất nhanh. Trong khi 1 con kiến hoặc nhện, nhờ vào hệ thống hô hấp vận chuyển không khí tới từng bộ phận 1, hệ tuần hoàn của chúng hoạt động chậm và mờ nhạt hơn rất nhiều, bạn không thể mong chờ 1 con nhện hay kiến... chết vì mất máu.


Vì vậy lời khuyên là nếu bạn phải đối mặt với các loài côn trùng khổng lồ đừng bao giờ nhắm vào các cơ quan như đầu hay thân mình. Chỗ mà chúng ta cần nhắm tới là các chân của con quái vật. Hệ thống thần kinh hạch của các loài sâu bọ mặc dù khiến chúng có sức tái sinh rất lớn và khó tiêu diệt, nhưng cũng có những yếu điểm nhất định: Mỗi chân hầu như được điều khiển độc lập và gần như không phụ thuộc nhiều vào nhau. Việc thiếu đi 1 cơ quan điều khiển trung ương như loài động vật xương sống khiến khả năng giữ thăng bằng của các loài sâu bọ rất kém. Đó cũng chính là lý do vì sao các loài sâu bọ cần từ 6-8 chân để có thể đi lại bình thường thay vì 2 chân như con người. 1 con nhện mất đi 2 chân ở cùng 1 bên hầu như chắc chắn là sẽ không thể đi lại được, 1 con kiến cũng vậy.

Hiệu ứng uốn dọc trong xây dựng sẽ giúp chúng ta xử lý đàn nhện khổng lồ.

Nhưng làm thế nào để có thể "bẻ" được chân của 1 con kiến hay nhện khổng lồ? Câu trả lời nằm ở kết cấu chịu lực của cái chân đó. Như đã nói, các loài côn trùng có 1 hệ thống vỏ cứng bao ngoài cơ thể hoạt động như khung xương của con vật. Và ở các bộ phận như chân, lớp vỏ cứng này có dạng là một ống rỗng. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn có 1 chiếc ống hút, cắt đi 1 mẩu dài chừng 3 cm và dùng ngón trỏ cùng ngón cái ấn dọc 2 đầu ống. Lúc này ống chịu nén, khi bạn bóp tay mạnh đến 1 mức nào đó, chiếc ống sẽ gãy gập ở giữa một cách đột ngột và gập sang hẳn 1 bên ngang. Dạng phá hoại này gọi là phá hoại do uốn dọc của thanh chịu nén, chiếc ống hút của chúng ta không gãy vì lực nén giữa 2 đầu ống, mà là phá hoại do chuyển vị ngang quá lớn của phần thân. Hiện tượng này khá phổ biến trong xây dựng và là 1 hiện tượng mà các kĩ sư xây dựng cần phải tránh trong quá trình thiết kế.

Nói dài dòng như vậy, nhưng tóm lại là khi 1 thanh chịu nén dọc trục, nó sẽ rất nhạy cảm với các lực tác dụng ở giữa thanh theo phương ngang, chỉ cần 1 lực rất nhỏ theo phương ngang cũng có thể khiến cả kết cấu sụp đổ hoàn toàn dù lực nén dọc trục bên trong cột chưa đạt tới giới hạn bền của vật liệu. Mặc dù kết cấu dạng ống có khả năng chống uốn dọc rất tốt, tuy nhiên với trọng lượng tăng theo hàm bậc 3, chắc chắn chân của các loài "siêu sâu bọ" sẽ chịu những lực nén cực lớn, tạo điều kiện cho mất ổn định càng dễ xảy ra hơn. Và cách tốt nhất để kích thích hiện tượng này là 1 lực thật mạnh, tập trung vào 1 điểm theo phương ngang.

Với những hiểu biết về khoa học, bạn sẽ trở thành người hùng giữa thời... loạn lạc.

Vì vậy thứ mà chúng ta cần để tiêu diệt 1 con kiến khổng lồ không phải là 1 khẩu súng, mà là 1 cây gậy thật nặng và 1 trái tim quả cảm. Hãy cứ bình tĩnh giáng những cú thật mạnh vào chân con quái vật. Có thể bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên rằng những con nhện, kiến trông rất "khủng bố" lại mỏng manh dễ vỡ đến vậy. Thêm 1 điều cần nhớ là luôn luôn đánh gãy những chân ở cùng 1 phía để con quái vật tự mất thăng bằng và khả năng di động.

-Đọc ở một nơi nào đó-

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thư gửi mẹ

Thư gửi mẹ - Nguyễn Trung HiếuNguyễn Trung Hiếu

Thư gửi mẹ.
Mẹ thân yêu của con !
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giáo. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ
-Internet-